Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, dự báo trong năm 2023, luật sửa đổi và các chính sách pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản hứa hẹn từng bước hoàn thiện dần các hành lang pháp lý. Đây là lực đỡ hỗ trợ thị trường phát triển minh bạch hơn, hạn chế được những khuyết tật cũ, sửa chữa được những sai lầm cũ và hấp thu được những tư duy tiến bộ, phù hợp cho giai đoạn phát triển mới.
Theo ông Nghĩa, làn sóng tái cấu trúc doanh nghiệp năm 2023 sẽ diễn ra mạnh mẽ dẫn đến khó tránh khỏi bức tranh hỗn loạn, khó tránh những thương tổn nhưng mở ra nhiều vận hội mới. Cơ hội tìm kiếm giải pháp mới cho một giai đoạn bất động sản phát triển bền vững. Thị trường sẽ phát triển theo một quy mô hữu hạn hơn, không bùng nổ, tốc độ chậm hơn nhưng ít rủi ro hơn.
Ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia bất động sản độc lập. dự báo nhà đầu tư sẵn tiền trong tay vẫn có khá nhiều kỳ vọng trong năm 2023. Đây sẽ là thời điểm “sống chậm, quan sát để săn mồi” của người mua trong 6 tháng đầu năm, một số cơ hội tốt có thể xuất hiện rõ hơn trong quý III và IV.
Với người mua tại các dự án hình thành tương lai, đây là thời cơ “chưa từng có” để có thể mua bất động sản khi gần bàn giao, thậm chí sau khi đã bàn giao với giá bằng lúc mở bán. Theo ông Kiên, quan sát cuối năm 2022 và tháng 1/2023, đã có các dự án bán giá hiện tại tiệm cận với giá thời điểm mở bán 2019-2020, dù tiến độ dự án hiện tại đã gần về đích, thậm chí đã về đích, so với thời điểm mở bán khi chỉ là bãi đất trống.
Việc giảm giá đã đến từ cả thị trường sơ cấp, nơi các chủ đầu tư kẹt tiền mặt mất thanh khoản, và thị trường thứ cấp, nơi các nhà đầu tư không còn khả năng đóng tiếp theo tiến độ sau khi hết thời gian ân hạn lãi gốc, gặp vấn đề về các khoản tài trợ tín dụng từ ngân hàng, hoặc mất niềm tin muốn rút chân khỏi thị trường.
Ông Kiên nhận định, với các nhà đầu tư đang cầm sẵn tiền mặt chờ đợi thị trường đất nhỏ vùng ven và nhà phố, 2023 là thời điểm tốt để chọn hàng mà không sợ ai tranh giành, tha hồ deal giá (mặc cả) mà vẫn chọn được sản phẩm ưng ý. Cơ hội mua được bất động sản có nhu cầu sử dụng thực với giá rẻ hơn 10% đến 15% so với đỉnh tháng 3-4/2022.
Các sản phẩm tích giữ tài sản đất ở xa thậm chí còn có mức giảm cắt lỗ nhiều hơn, lên đến 20-30% so với đỉnh tháng 4/2022. Tuy nhiên, đây là loại hình chỉ dành cho những nhà đầu tư “tay to” có tiền nhàn rỗi, có thể không cần đến thanh khoản của khoản đầu tư này trong trung và dài hạn 5-10 năm.
Ông Kiên đánh giá, sự xuất hiện của các nhà đầu tư bất đắc dĩ đến từ trái phiếu cũng hứa hẹn sẽ là điểm đáng ghi nhận của thị trường 2023. Việc hoán đổi trái phiếu thành chính bất động sản giảm giá 30-50% của doanh nghiệp cũng mở ra cơ hội cho người có nhu cầu. Vấn đề là nhà đầu tư cần phải đánh giá được tình hình sức khỏe doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng thực, tiềm năng phát triển và khả năng triển khai dự án mà mình hoán đổi.
“Năm 2023 không thể kỳ vọng doanh số và lợi nhuận khủng, khó tránh khỏi đổ vỡ, mất mát từ những doanh nghiệp tái cấu trúc do mất thanh khoản dòng tiền, nhưng cơ hội đàm phán, mặc cả, săn hàng giá mềm sẽ cực lớn. Sau cuộc đại phẫu, thị trường phát triển lành mạnh và khỏe mạnh hơn”, ông Kiên nói.
Theo chuyên gia, nếu quyết định đầu tư ngay trong 6 tháng đầu năm cần thận trọng giảm vốn vay hoặc thậm chí có thể giữ tiền chờ cuối năm mới hành động.
Bắt mạch cơ hội đầu tư địa ốc đầu năm Quý Mão, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group nhận định trong 12 tháng tới, bất động sản có cơ hội và rủi ro đan xen, nhưng rủi ro có phần lấn lướt. Nhà đầu tư cần thận trọng, thiên về giữ tiền nhiều hơn là ra quyết định xuống tiền táo bạo, vì đây là năm bản lề cho nhiều sự thay đổi, đào thải để thanh lọc, chuẩn bị cho chu kỳ mới.
Ông Chánh phân tích, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 là biến số cần xem xét trước tiên khi quyết định đầu tư vào thị trường bất động sản. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, có 2 kịch bản về triển vọng kinh tế. Kịch bản thận trọng: tăng trưởng GDP đạt 6,47%, lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD.
Kịch bản tích cực: tăng trưởng GDP tăng 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD. Từ các kịch bản kinh tế cho thấy thị trường bất động sản vẫn ít nhiều đón nhận được lực đỡ tương đối ổn định từ chuyển biến vĩ mô khi càng về cuối năm.
Tuy nhiên, ông Chánh cho rằng cần xét thêm các biến số trực tiếp là khung pháp lý, thị trường vốn và lực cầu khả thi đến đâu. Xét về thị trường vốn, khi Nghị quyết 01 mới ban hành có hiệu lực, thị trường chứng khoán đặc biệt là trái phiếu được kỳ vọng sẽ từng bước cải thiện. Tín dụng nhiều hy vọng được tháo gỡ khi kinh tế vĩ mô ổn định giúp cho các kênh huy động vốn chính của thị trường bất động sản sẽ được khơi thông. Từ đó niềm tin thị trường có khả năng phục hồi, dự án kỳ vọng được triển khai trở lại. Tuy nhiên, các tác động này không thể diễn ra ngay lập tức.
Xét về khung pháp lý, với dự thảo sửa đổi Luật Đất đai trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 và một loạt các luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng… được sửa đổi toàn diện được dự đoán cởi mở hơn với việc tháo gỡ nguồn cung bất động sản. Điều này tạo tác động lớn thúc đẩy niềm tin để nhà đầu tư quay trở lại thị trường nhưng khó diễn ra trong năm 2022 mà cần thời gian dài hơn, trong 2-4 năm tới, tức điểm rơi trong giai đoạn 2024-2025.
Bệ đỡ từ nguồn cầu trong ngắn hạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn thế nhưng dư địa tăng trưởng dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam luôn ở mức tiềm năng tích cực nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng liên tục được hoàn thiện và nhu cầu nhà ở vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung hạn chế. Điểm yếu chưa thể cải thiện nhanh trong 6 tháng tới là nguồn cầu có khả năng chi trả lúc này chưa sẵn sàng vì còn vướng tâm lý băn khoăn, phòng thủ, dẫn đến do dự khi ra quyết định mua bất động sản.