Xa hơn, HoREA đề xuất trong trung hạn cần bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà vay để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng một căn.
Bộ Xây dựng gần đây cũng đề xuất nghiên cứu một gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Để tạo ra dòng tiền, một giải pháp khác mà lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhiều lần nhắc đến là “doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình” bằng cách bán bớt sản phẩm, tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện những dự án có hiệu quả hơn.
Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá, việc bán bớt tài sản sẽ giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tồn kho, chi phí tài chính. “Thay vì trông chờ cơ hội tiếp cận tín dụng trong ngắn hạn vốn mong manh, doanh nghiệp nên lấy ngắn nuôi dài”, ông nói.
Tuy nhiên, các đề xuất liên quan đến tín dụng này đều khó thực hiện. Tại một hội nghị gần đây giữa các nhà phát triển bất động sản và ngân hàng, lãnh đạo nhiều nhà băng lớn đều khẳng định không thiếu “room” cho vay doanh nghiệp bất động sản. Bất động sản đang là lĩnh vực “hút” nhiều vốn nhất, với 21% dư nợ toàn nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng cũng cao hơn mặt bằng chung.
Nhưng việc không vay được là do doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo thỏa mãn điều kiện pháp lý – vấn đề đang được đánh giá chiếm 70% trong các khó khăn của thị trường. Theo ông Lưu Trung Thái, CEO MB, ngân hàng muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn phải làm đúng quy trình, thủ tục.
Việc bán bớt bất động sản cũng không dễ dàng. Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Sohovietnam cho biết, không nhiều thương vụ với giá trị tài sản 100-1.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp được nhờ rao bán thành công vì pháp lý dở dang. Theo ông, nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế không thiếu tiền nhưng luôn đòi hỏi các dự án phải có pháp lý sạch sẽ, có tiềm năng, vị trí đẹp và giá phải giảm 15-20%.
Ngay cả với những dự án có pháp lý ổn thỏa, doanh nghiệp cũng không dễ bán rẻ để xoay tiền. Phân tích tại một sự kiện chiều 15/2, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường nói, đa phần doanh nghiệp bất động sản đều có nhà đầu tư ruột – tức người mua trực tiếp ở giai đoạn đầu dự án. Nếu giảm giá, nhóm khách hàng này sẽ bị thiệt thòi. Ngoài ra, 70% giá trị tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp là bất động sản, do đó, việc giảm giá bán sẽ tác động đến phần vay vốn tại ngân hàng.
“Ngân hàng có thể yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, việc các công ty có còn tài sản không lại là câu chuyện hóc búa”, ông nói.
Điều này khiến “quả bóng” được đá sang nhóm vấn đề pháp lý. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp ở góc độ chính sách, giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục, sớm khởi công các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.
Đơn cử, TP HCM đang đề xuất cho phép các chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.
Trong khi đó, theo TS Trần Du Lịch, Chính phủ nên đặt mục tiêu không chỉ là tháo gỡ cho thị trường bất động sản trước mắt mà là kế hoạch lâu dài để lành mạnh hóa thị trường trong trung và dài hạn. Như vậy, Chính phủ cần rà soát lại tất cả quy định liên quan trên thị trường này từ khi bắt đầu dự án đến vận hành, phát triển. Việc sửa luật là sửa cả hệ thống, chứ không phải nhỏ lẻ từng vấn đề. Với những điểm nghẽn về pháp lý, có thể kiến nghị Tổ công tác chọn ra một số điển hình để xử lý, tạo tiền đề pháp lý cho nơi khác triển khai theo và nhân rộng cách giải quyết.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đồng tình khi cho rằng trong dài hạn, Chính phủ cần kiện toàn hệ thống pháp lý đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng luật chồng chéo, gây vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm qua.
“Mục tiêu hàng đầu là phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan”, ông nói.
Còn trong trung hạn, ông đề nghị có chính sách cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất. Mục tiêu là giúp khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản theo nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp (M&A), nhất là để xử lý các dự án bị đắp chiếu do chủ đầu tư yếu kém về năng lực.
Bộ Xây dựng trong đề xuất mới nhất cũng nhấn mạnh việc sửa đổi các vấn đề hoàn thiện thể chế, pháp lý trên thị trường bất động sản liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán. Cơ quan này đang chủ trì sửa đổi hai dự án luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản, đồng thời trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời. Bộ cũng đề xuất các địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm; đẩy mạnh thủ tục hành chính.
Nguồn: vnexpress