VSL HOUSE
  1. 1. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước

Theo đánh giá chung tại Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5-1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến.

Kinh tế Mỹ và EU là những thị trường thương mại lớn của Việt Nam chỉ tăng trưởng đạt dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ – lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá lương thực và vật tư nông nghiệp ổn định ở mức cao là thách thức nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển, giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp. Gần đây nhất, khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới, của các Ngân hàng ở châu Âu, điển hình là sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) nếu kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam… Những xu hướng này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất – tỷ giá. Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tình hình phát triển ngành Công Thương trong tháng 4/2023 và 4 tháng đầu năm 2023 như sau:

 

  1. Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023

2.1. Sản xuất công nghiệp

– Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp:

Mặc dù chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm mạnh trong tháng 3 (giảm từ 51,2 điểm xuống 47,7 điểm; tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần thứ 4 trong vòng 5 tháng gần đây; số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài ghi nhận giảm lần đầu tiên kể từ đầu năm) và tiếp tục giảm trong tháng 4 do nhu cầu khách hàng vẫn yếu (tháng 4 giảm còn 46,7 điểm) nhưng sản xuất công nghiệp trong tháng 4 có dấu hiệu cải thiện khi chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.

Phân theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Cao Bằng tăng 26,3%; Lai Châu tăng 22%; Đắk Lắk tăng 21,9%; Tuyên Quang tăng 21%; Gia Lai tăng 17,5%; Hải Phòng tăng 15%; Quảng Ninh tăng 14,1%…

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất, phân phối điện hoặc ngành khai khoáng giảm giảm như: Quảng Nam giảm 33,4%; Bắc Ninh giảm 18,6%; Vĩnh Long giảm 16,1%; Sóc Trăng giảm 15,5%…

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2023 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 13,1%; Sản xuất xe có động cơ giảm 8,5%; Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 9,6%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 8%; sản xuất trang phục giảm 7,4%; sản xuất kim loại giảm 5%; sản xuất  sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%; dệt giảm 4,9%… Ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng như: Khai thác quặng kim loại tăng 14,1%; Sản xuất đồ uống tăng 11,1%; Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,3%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 10,6%…

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 15,1%; điện thoại di động giảm 13%; xe máy giảm 12,3%; phân u rê giảm 12,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 11,1%; quần áo mặc thường giảm 10,4%; linh kiện điện thoại giảm 10,1%; xi măng giảm 4,8%; thép cán giảm 4,5%; dầu thô khai thác giảm 4%; khí hóa lỏng LPG giảm 3,7%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 23,2%; xăng dầu tăng 15,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 12,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 10,4%; thuốc lá điếu tăng 7,2%; sơn hóa học tăng 6,1%.

Nhìn chung, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến sự sụt giảm sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023.

2.2. Về xuất nhập khẩu

Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 53,57 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%), trong đó xuất khẩu giảm 11,8% (cùng kỳ tăng 17,1%); nhập khẩu giảm 15,4% (cùng kỳ tăng 16,1%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD, cụ thể như sau:

2.2.1. Về xuất khẩu hàng hóa

Những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong quý I/2023 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa trong tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,42 tỷ USD, giảm 6,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 17,1%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.

Trong 4 tháng, có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (có 22 mặt hàng), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).

– Về xuất khẩu các nhóm hàng

+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng đầu năm 2023, ước đạt 9,68 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có: gạo tăng 54,5%, rau quả tăng 19,4%; sắn tăng 26,3%. Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm trong nhóm này như: thủy sản giảm 29%; cao su giảm 20%; hạt tiêu giảm 10,2%, chè các loại giảm 5,8%…

Tiếp nối những thành tựu trong những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 4 khi tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 4/2023 tăng 14,4% về lượng và tăng 12,8% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước; tăng 98% về lượng và tăng 108% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.

+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 91,16 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, ước đạt 17,4 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 16 tỷ USD, giảm 8,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ước đạt 13 tỷ USD, giảm 5,9%; hàng dệt may ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 19,3%; giày dép các loại ước đạt 6,13 tỷ USD, giảm 16,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,86 tỷ USD, giảm 31,3%; Sắt thép các loại đạt 2,38 tỷ USD, giảm 27,9%.

Chỉ có một số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9%; Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,8%.

+ Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu khoáng sản tiếp tục giảm mạnh, ước đạt 1,25 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước do kim ngạch của hầu hết các mặt hàng đều giảm như: than đá giảm 98,9%; quặng và khoáng sản khác giảm 30,7%; xăng dầu các loại giảm 11,2%; dầu thô giảm 7,5%…

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023: Kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%.

2.2.2. Về nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,13 tỷ USD, giảm 13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,9 tỷ USD, giảm 5,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Tư giảm 20,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 19,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 21,1%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,1%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 36,62 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,6 tỷ USD, giảm 17,4%.

Trong 4 tháng đầu năm 2023 có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,1%).

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu: chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022 do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nên nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất để phục vụ sản xuất giảm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt cao nhất, ước đạt 25,4 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức giảm như: nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 73,3%; cao su các loại giảm 39,4%; quặng và khoáng sản khác giảm 34,4%; bông các loại giảm 30,7%; thép các loại giảm 25,8%; hóa chất giảm 24,5%; xăng dầu các loại giảm 17%; phân bón giảm 38,6%…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nhóm năng lượng tăng (khí đốt hóa lỏng tăng 5,1% so với cùng kỳ; dầu thô tăng 13,8%, sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 5,7%) và nhóm nông thủy sản tăng như: thủy sản tăng 20,8%; lúa mỳ tăng 6,9%; ngô tăng 10,6%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 5,8%.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 6,6 tỷ USD. Trong đó, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, tăng 51,7% và phế liệu sắt thép, tăng 27,7%.

– Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023: Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,2 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 16,7 tỷ USD, giảm 25,7%; thị trường ASEAN đạt 13,4 tỷ USD, giảm 17,1%; Nhật Bản đạt 6,9 tỷ USD, giảm 12,8%; thị trường EU đạt 4,38tỷ USD, giảm 17%; Hoa Kỳ đạt 4,08 tỷ USD, giảm 11,9%.

2.2.3. Cán cân thương mại hàng hóa

Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,51 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 4 tháng đầu năm 2023 là 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,39 tỷ USD.

2.3. Về thị trường trong nước

Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng. Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy số ca nhiễm Covid-19 trong nước có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4 nhưng hoạt động tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, mua gom, tích trữ thực phẩm. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng/giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%); trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%. Nếu so với so với 4 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,1%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao ở một số địa phương như sau: Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,0%; Quảng Ninh tăng 9,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,2%… cho thấy thị trường hàng hóa khá sôi động.

  1. 3. Nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu

Các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

– Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.

– Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

  1. Dự báo tình hình quốc tế và trong nước thời gian tới

4.1. Tình hình quốc tế

Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.

Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu.

Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam… là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.

4.2. Tình hình trong nước

Sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng.

Các chính sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng sẽ có những độ trễ nhất định.

Sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản, giải ngân vốn đầu tư thấp sẽ tác động đến tiêu thụ của một số ngành sản xuất có liên quan…

Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn có những dấu hiệu tích cực như: (i) Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan; (ii) Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; (iii) Chỉ số sản xuất công nghiệp xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

VSL HOUSE

🌺VẠN SỰ LỢI HOUSE🌺
Chuyên:
– Cung cấp các dịch vụ trọn gói ưu việt, ngoài các dịch vụ cho thuê, mua bán, trang trí nội thất, chúng tôi là công ty duy nhất có quy trình quản lý và bảo mật hồ sơ tài sản đầu tư cho khách hàng.

– Cung cấp giải pháp trọn gói cho các doanh nghiệp FDI muốn phát triển tại thị trường Việt Nam, bao gồm: thành lập mở mới công ty, đăng ký đầu tư, chọn địa điểm và set up văn phòng, chọn đất và nhà xưởng trong các khu công nghiệp trên cả nước, thiết kế xây dựng nhà xưởng, xử lý các vấn đề về môi trường…

Ngoài ra Vạn Sự Lợi chuyên tìm kiếm những dự án có tính pháp lý đầy đủ, an toàn và nằm ở những vị trí đắc địa tại các nước sở tại để giúp cho các nhà đầu tư Việt Nam có thể an tâm và nhanh chóng thực hiện được kế hoạch định của mình tại Mỹ, Úc hoặc nhiều quốc gia khác trên thế giới.

☎️Liên hệ: 0901870188 (hotline) để được tư vấn